Gốm Hương Canh - Vẻ đẹp lịch sử hồn quê đất Việt

Vùng đất Hương Canh, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc từ lâu đã nổi tiếng về gốm. Vẻ đẹp mộc mạc, tự nhiên của gốm Hương Canh mấy trăm năm nay vẫn phảng phất cái chất quê bình dị. Gốm Hương Canh từ lâu đã được biết đến là loại gốm chống nước thẩm thấu, ngăn được ánh sáng, giữ được bền hương vị của những thứ đựng bên trong. Trải bao thăng trầm, làng gốm Hương Canh nổi tiếng cả nước đã có thời đi vào quên lãng. Thế nhưng, nơi đây vẫn có những con người cống hiến cả tuổi trẻ cho gốm, giữ và tiếp lửa truyền thống của cha ông.

Gốm Hương Canh

Cái khác biệt của Gốm Hương Canh là ở đây là nó là một dòng gốm mộc được nung ở nhiệt độ cao. Nó có một độ bền tốt, khi được nung xong với lý do là nó được cấu thành từ hai thành phần đất sét xanh và đất sét nâu khai thác tại địa phương, có độ mịn, độ béo cao, ít cát, ít xương hơn so với các loại đất nguyên liệu khác. Đất sét nâu có tác dụng làm cứng xương của gốm, đất sét xanh làm tăng độ láng cho bề mặt gốm. Sau quá trình làm đất kỹ lưỡng, đất trở nên dẻo cho nên dễ vuốt mỏng và tạo hình sản phẩm. Kết hợp với nhau theo tỷ lệ riêng của mỗi người thợ thủ công, nung với nhiệt độ cao sẽ cho ra sản phẩm gốm mộc đặc trưng. Gần 300 năm qua, người Hương Canh vẫn hoàn toàn làm gốm thủ công bằng tay, sử dụng bàn xoay để tạo tác, nhờ đó mà mỗi người thợ đều có thể đưa vào những sáng tạo, ý tưởng riêng tạo nên sự khác biệt cho từng sản phẩm. Đến chặng vào lò thì ở một vài điểm, dưới tác động của nhiệt đốt thủ công sẽ tạo nên màu hỏa biến cho sản phẩm, để khi ra đời, gốm trở thành độc bản. Theo những người hiểu biết về gốm, nếu dùng gốm Hương Canh để pha trà thì giữ được vị trà và nhiệt độ rất lâu, đựng rượu không giảm nồng độ, thậm chí càng để lâu thì rượu càng ngon.

Ngày nay, để đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng, các nghệ nhân làng gốm Hương Canh vừa duy trì mặt hàng sản xuất truyền thống, vừa đổi mới đa dạng mẫu mã. Do vậy, gốm Hương Canh hiện nay còn cho ra lò các loại gốm xây dựng và gốm mỹ nghệ đẹp mắt. Với các tác phẩm gốm mỹ thuật của những nghệ nhân địa phương, gốm Hương Canh giờ không chỉ được dùng như những vật dụng bình thường trong nhà nữa mà thực sự là những tác phẩm nghệ thuật trang trí. Rất nhiều những hình ảnh quê hương được nghệ nhân khéo kéo đưa vào trên thân gốm.

"Ai về mua vại Hương Canh. Ai lên mình gửi cho anh với nàng." Câu thơ từ thời xưa đến nay vẫn còn được nhiều người ghi nhớ, như là minh chứng cho sự trở lại và phát triển của làng gốm Hương Canh vốn đã nổi danh từ lâu đời. Trải qua nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử nhưng nghề gốm nơi đây vẫn giữ được những nét tinh túy xưa, nhiều nghệ nhân lâu năm vẫn miệt mài theo nghề và truyền lại cho thế hệ sau.

(Thiên Nhiên Tâm)