Tâm bình an mới chính là hạnh phúc

Trong cuộc sống hằng ngày, nếu không có tâm bình an, chúng ta dễ rơi vào trạng thái lo lắng, sợ hãi, căng thẳng và giận dữ. Khi đó, dù thân và môi trường xung quanh có an ổn đến đâu, dù không có những bất trắc, rủi ro nào đang hiện diện thì ta vẫn cứ khổ. Nhưng nếu thường ngày ta chịu khó rèn luyện tâm mình, biết cách giữ tâm bình thản trước mọi biến cố xảy ra thì ta sẽ không đau khổ, hoặc nếu có thì nỗi đau cũng không quá mức chịu đựng.

Thế nào là tâm bình an?

Điều kiện sống, thế giới tự nhiên và hoàn cảnh xã hội vẫn luôn thay đổi. Con người rồi cũng phải chịu già, bệnh, chết,... những thay đổi về thể chất. Đời sống tinh thần lúc sung túc, lúc suy tàn, vui buồn, thương ghét, sướng khổ… mọi thứ đều không ngừng thay đổi. Chúng ta thấy hiện tượng sinh và diệt (hình thành rồi biến mất), biến dị (biến đổi) xảy ra mọi lúc, mọi nơi một cách liên tục. Những sự thay đổi bên trong cơ thể, trong tâm trí, môi trường sống và tất cả mọi thứ.

Có những thay đổi nhỏ ở tầm vi mô, có những thay đổi lớn ở tầm vĩ mô. Những thay đổi lớn có thể nhìn thấy rõ qua các hiện tượng như điều kiện thời tiết thái quá, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh, khủng hoảng kinh tế, khủng hoảng xã hội… Và tất cả những điều này, trong nhận thức của con người nói riêng và chúng sinh bình thường nói chung đều là vô thường và khổ (sự bất toàn, không toại nguyện gây ra cảm giác khó chịu, tâm lý bất mãn, tức giận).

Nếu tạm chia sự bình an thành ba phần, thì chúng là: thân bình an, tâm bình an và môi trường bình an, mặc dù trên thực tế giữa thân, tâm và môi trường có mối quan hệ mật thiết với nhau. Trong thế giới nhị nguyên đối đãi của phàm phu chúng ta còn phân biệt, chấp thủ, tham đắm. Khi thân không an, hoàn cảnh không an thì tâm cũng không an. Ngược lại, khi tâm không an sẽ dẫn đến sự bất ổn trên thân, khiến cho thân cũng không còn an ổn.

Tâm bình an và thân bình an

Một tâm trí rối ren cũng tạo nên hoàn cảnh rối ren. Thông thường người ta quan tâm nhiều đến thân an lạc, hoàn cảnh an lạc mà ít quan tâm đến tâm an lạc. Đây là một thiếu sót rất lớn vì nhiều khi thân an ổn, môi trường an ổn mà tâm không bình an vì bị phiền não, trạng thái tiêu cực (lo lắng, sợ hãi, bất mãn, tức giận, nghi ngờ, ghen ghét, đố kỵ, ham muốn…) chi phối.

Thân an lạc là không bị bệnh tật, tai nạn, hiểm nguy làm tổn hại đến thân thể, sức khỏe và tính mạng, không bị các biến cố tác động làm bất ổn cuộc sống. Một môi trường bình an phải được bảo đảm về cả ba phương diện: gia đình, xã hội, thế giới và môi trường tự nhiên.

Nhưng cuộc đời về bản chất là vô thường nên không có sự bình yên vĩnh viễn, vậy thì làm sao bảo đảm được mọi thứ? Con người chỉ có thể thay đổi những nhân duyên (điều kiện, yếu tố) dẫn đến sự việc gây bất an, đau khổ, và tạo những nhân duyên để có được sự bình an, hạnh phúc. Còn để có được sự mãi mãi trường tồn, có được sự an toàn vĩnh cửu và được hoàn hảo về nhiều mặt là điều không bao giờ có thể thực hiện. Chúng ta phải học cách chấp nhận vô thường và nhìn vô thường bằng cái nhìn tích cực để thấy được vẻ đẹp của nó.

Tâm bình an chỉ có được khi nó không bị xáo trộn, được kiểm soát và không bị ngoại cảnh chi phối, tác động, sai khiến, không bị phiền não như: tham, sân, si, tật đố, đố kỵ, kiêu căng chi phối. Tâm bình an là tâm tự tại và tự chủ. Trên thực tế, tâm bình an cần được quan tâm hơn nhiều so với thân bình an. Thông thường, khi thân không ổn (tai nạn, bệnh tật hay hoàn cảnh đói khát, nóng lạnh, thiên tai) thì tâm cảm thấy khó chịu, đau khổ, bất an. Và ngược lại, khi tâm bất an (giận, buồn, lo, sợ…) thì cơ thể cũng có những thay đổi về thể chất làm căng thẳng, mệt mỏi, khó chịu và dẫn đến bệnh tật. Tuy nhiên, nếu có được cái tâm bình an, trong sáng, suy nghĩ tích cực, khả năng làm chủ lý trí và kiểm soát tốt cảm xúc, chúng ta có thể hạn chế hoặc giảm bớt những cảm giác khó chịu hay những khổ đau, đau đớn do hoàn cảnh không thuận lợi và sự bất ổn về thân mang lại.

Đây là lý do vì sao mà Phật giáo nhấn mạnh vai trò và tầm quan trọng của việc trau dồi tâm, phát triển chánh kiến ​​và trí tuệ. Mục đích chủ chốt, tối hậu và rốt ráo của con đường Giới, Định, Tuệ hay Bát chánh đạo là đạt được trí tuệ giải thoát (trí tuệ thấy rõ Bốn sự thật, thực tánh Vô ngã và Vô thường của vạn pháp, đập vỡ vô minh, ảo tưởng, tà kiến) và tâm vượt ra ngoài sự dính mắc và tham lam, không còn bị dẫn dắt bởi phiền não kiết sử. Chỉ có mục tiêu này là duy nhất mà khi đạt được mới có thể thoát khỏi mọi đau khổ và ung dung giữa vô thường, sinh tử.

Hạnh phúc chỉ có được khi tâm bình an

Trong cuộc sống hằng ngày, nếu không có tâm bình an, chúng ta dễ rơi vào trạng thái lo lắng, sợ hãi, căng thẳng và giận dữ. Khi đó, dù thân và môi trường xung quanh có an ổn đến đâu, dù không có những bất trắc, rủi ro nào đang hiện diện thì chúng ta vẫn cứ khổ. Đây gọi là khổ tâm (còn khổ thân là khi làm việc nặng nhọc, đói khát, đau đớn...). Cho nên chúng ta cần có nhận thức đúng đắn, phải có trí huệ để thấy rõ bản chất của cuộc đời, bản chất thực sự của hiện hữu, cần phải rèn luyện tâm để thoát khỏi sự chi phối của phiền não kiết sử.

Hoàn cảnh sống và bản thân của mỗi người đều luôn thay đổi. Vẫn thường có những sự kiện lớn xảy ra đột ngột, bất ngờ gây kích động quá mạnh mẽ dễ làm con người ta gục ngã. Tuy nhiên, nếu thường ngày ta chịu khó rèn luyện tâm, biết cách giữ tâm bình thản trước mọi biến cố xảy ra thì ta sẽ không đau khổ, hay nếu có thì nỗi đau cũng không quá lớn.

Chẳng hạn, trong tình hình thế giới và nước ta hiện nay, với dịch bệnh Covid-19 đang hoành hành, ai cũng phải đối mặt với sự sống còn. Trước những biến đổi, đổ vỡ trong đời sống xã hội, suy thoái kinh tế, khủng hoảng toàn cầu, đời sống của người dân trở nên vô cùng bất an, luôn hoang mang, lo sợ.

Thực tế thì đại dịch là rất đáng sợ, nhưng lý do khiến cho con người suy nghĩ tiêu cực, mất kiểm soát, lo lắng, sợ hãi, khủng hoảng chính là sự thiếu hiểu biết, trí tuệ. Nhiều người rơi vào trạng thái hoang mang, phản ứng thái quá, có những hành động không đúng mực, tiêu cực, tâm hoàn toàn mất đi sự bình an. Ngoài ra, những việc họ làm cũng ảnh tác động không tốt đến cộng đồng, làm ảnh hưởng đến sự bình yên của mọi người.

Những người có hiểu biết và nhận thức đúng về dịch bệnh, cách lây lan và các biện pháp phòng ngừa, và những ai kiểm soát được tâm mình trước sự sợ hãi, thì họ không bị tình hình dịch bệnh làm mất hết lý trí, nhân tính, họ biết cách cư xử phù hợp, làm những việc có ích cho mình và cho người, biết đoàn kết, giúp đỡ, chia sẻ để cùng nhau vượt qua khó khăn.

Tâm bình an là điều tối cần thiết cho một cuộc sống có hạnh phúc. Những bất an hoặc nguy cơ bất an đe dọa sự an lạc của thân, tâm, hoặc cả hai luôn dẫn đến mất hạnh phúc. Nhưng cuộc sống là bất định, cuộc sống là vô thường, mọi thứ sẽ luôn luôn thay đổi và thay đổi. Vì vậy không thể có sự hài hòa và bình yên mãi mãi.

Giới, Định, Tuệ: phương pháp giúp thân tâm bình an

Trong đạo Phật, biện pháp giúp thân tâm an lạc trong hiện tại và mai sau là phải rèn luyện cho mình có đầy đủ Giới, Định, Tuệ.

Giới luật là đạo đức, lối sống tốt đẹp, hành vi tốt đẹp có lợi cho mình và người, cho gia đình, cho cộng đồng xã hội và cho thế giới. Nếu con người sống có đạo đức, có ý thức trách nhiệm với bản thân, cộng đồng xã hội và thế giới, không có lối sống và hành vi tiêu cực đối với môi trường sống, thiên nhiên và muôn loài thì sẽ hạn chế được nhiều mối nguy hiểm như thiên tai, chiến tranh, dịch bệnh…

Định là khả năng điềm tĩnh, tĩnh tại, làm chủ được tâm lý, tình cảm, không bị ngoại cảnh tác động làm cho tâm ý và hành vi rối loạn.

Trí tuệ là đúng đắn về nhận thức, có sự hiểu biết và chánh kiến. Có suy nghĩ tích cực và nhận thức đúng thì sẽ không làm phát sinh hoặc ít phát sinh tâm lý hoang mang, sợ hãi và đau khổ trước những biến đổi, vô thường. Đặc biệt, nếu một người đã hiểu rõ về quy luật của duyên sinh - nhân quả và các đặc tính vô thường, vô ngã của mọi sự vật, hiện tượng, bớt tâm tham lam, chấp thủ, dính mắc thì sẽ không bị những hậu quả do phiền não chi phối.

Giới, Định, Tuệ là cốt lõi và tinh túy của Bát chánh đạo (sự thật về khổ, con đường dẫn đến khổ đau và cách thoát khổ). Một khi có Giới, Định, Tuệ thì tâm bình an, tĩnh lặng, trong sáng và hạnh phúc, có thể vượt khỏi những yếu tố tâm lý, tình cảm thường thấy đều là nguyên nhân của mọi khổ đau. Chính cái tâm bình an, tĩnh lặng, trong sáng này sẽ giúp cho thân có được hành vi thích hợp và đúng đắn, tích cực, luôn vì lợi ích cho mình và cho người.